Việt Nam tích cực chuẩn bị triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu

Thứ 3, 08/03/2016 - 10:37 GMT+7 Lượt xem: 399

Ngày 4/3/2016, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMUB) ủy quyền Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo chuẩn bị Diễn đàn cấp cao về việc triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Biến cam kết thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu thành hành động cụ thể

Như đã biết, Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (Hiệp định Paris về Khí hậu) vừa được thông qua tại COP 21, Pháp, bao gồm 29 Điều tập trung vào giải quyết toàn diện các nội dung của Công ước khí hậu, áp dụng cho tất cả các quốc gia từ năm 2020. Nội dung Hiệp định Paris về Khí hậu đã giải quyết cơ bản được sự khác biệt về mức độ trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển và được xây dựng trên một nền tảng các quốc gia cùng cam kết liên tục thực hiện với nỗ lực cao nhất trong những năm tới.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Hiệp định Paris về Khí hậu đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiệp định Paris về Khí hậu yêu cầu các Bên tham gia cam kết và không ngừng nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu có tính tham vọng cao là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C. Đồng thời, Hiệp định Paris về Khí hậu cũng mang lại cơ hội cho các Bên trong việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển các-bon thấp, thúc đẩy tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia để hướng đến mô hình tăng trưởng phát thải ít các-bon ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu cũng tạo ra nhiều thách thức trong bối cảnh năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính toàn cầu chưa cụ thể; hình thái mới trong hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu chưa định hình rõ...

Với mục đích giúp Việt Nam chuẩn bị thật tốt để triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Hội thảo tập trung vào các thảo luận các vấn đề: Một là, những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu. Hai là, những yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Hiệp định Paris về Khí hậu, từ đó sửa đổi bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai. Ba là, các giải pháp thực hiện các yêu cầu về tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Bốn là, những yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp; thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Năm là, giải pháp huy động hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu để đa dạng hoá nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và đóng góp tự nguyện về tài chính với cộng đồng quốc tế.

“Kết quả thảo luận của Hội thảo sẽ giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam một cách hiệu quả, đảm bảo Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vừa từng bước đưa phát triển kinh tế theo hướng bền vững.” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Đối tác quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các cam kết khí hậu

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào tiến trình Đàm phán biến đổi khí hậu tại Hội nghị các Bên tham gia lần thứ 21 (COP21) tại Paris với kết quả lịch sử là đã thông qua Hiệp định Paris về Khí hậu. Hiện nay các bên cần triển khai các hành động thực tế để thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Do vậy, Bà Louise Chamberlain đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã khởi động Hội thảo này với sự tham gia của tất cả các bên liên quan để sẵn sàng cho việc thực hiện Hiệp định Paris ở Việt Nam. Trong đó, Bà Louise Chamberlain nhấn mạnh 3 lĩnh vực quan trọng để chuẩn bị cho việc thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu ở Việt Nam: (1) Việt Nam cần ưu tiên lĩnh vực năng lượng và lâm nghiệp vì hai lĩnh vực này có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính và hấp thụ các-bon nhất; (2) Việt Nam cần chuẩn bị phát triển một kế hoạch thích ứng quốc gia với những hành động cụ thể của các Bộ, ngành nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại gây ra do bão và xâm nhập mặn; (3) Việt Nam cần có một khung pháp lý toàn diện và chính sách ủy thác để huy động và quản lý hiệu quả tài chính quốc tế và quốc gia, tài chính công và khu vực tư nhân cho việc thực hiện các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Annette Frick, Thư ký thứ nhất, Tham tán Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam gửi lời chúc mừng Chính phủ Việt Nam về sự tham gia và đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị COP21 tại Paris. Bằng việc đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) lên Ban thứ ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Việt Nam đã chứng tỏ sự cam kết mạnh mẽ tham gia cùng nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Bà Annette Frick bày tỏ sự tin tưởng rằng, với ý chí chính trị, nội lực của mình và hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, Việt Nam có thể sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình và cũng mang lại lợi ích từ các nỗ lực triển khai. Bà Annette Frick cũng khẳng định tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực quan trọng để triển khai Hiệp định Paris và INDC và mong đợi sự hợp tác về các hoạt động biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ ngày càng thành công và hiệu quả.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về việc chuẩn bị triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam, Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu dự kiến tổ chức Diễn đàn cấp cao về việc triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho Diễn đàn cấp cao, Hội thảo được tổ chức nhằm xác định cơ hội, thách thức và những nội dung quan trọng Việt Nam cần thực hiện từ nay đến 2020 để triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu. Ngay sau hội thảo, Nhóm chuẩn bị cho Diễn đàn cấp cao sẽ có buổi làm việc tập trung trong 02 ngày để dự thảo các nội dung: chuẩn bị cho Diễn đàn cấp cao; xây dựng lộ trình xây dựng thể chế, các nội dung chính sách cần thiết cho Việt Nam từ nay tới 2020; xây dựng lộ trình thích ứng để thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu; xây dựng lộ trình giảm nhẹ để thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu.

(Theo CTTĐT Bộ TN&MT)

 

Tags: sông Nhuệ
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

fxUeu3
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6285920
Liên kết trang