Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì họp Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường
Thứ 3, 10/12/2019 - 15:50 GMT+7 Lượt xem: 4165
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường
Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập gồm đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia...
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện những ý kiến bổ sung, đóng góp của các thành viên trong các kỳ họp trước. Tổ biên tập đã nghiên cứu, rà soát các Nghị quyết, văn bản và nhu cầu thực tế để đề xuất, bổ sung các chính sách phù hợp, tạo các hàng rào kỹ thuật cần thiết để vừa phát triển, vừa bảo vệ môi trường (BVMT).
Bộ trưởng hy vọng, sau cuộc họp, các thành viên sẽ đóng góp thêm ý kiến để xây dựng nội dung dự thảo bảo đảm hoàn thiện, chặt chẽ hơn để chuẩn bị cho việc đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương; ý kiến của Nhân dân, các tổ chức, cá nhân và các đối tượng chịu tác động của Luật.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, trong dự thảo Luật này, “nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong BVMT là điểm khác biệt so với Luật Bảo vệ môi trường (2014) và đóng vai trò quyết định hiệu quả thực thi Luật”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Bộ trưởng cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã cùng trao đổi, thảo luận với đại diện đến từ các Bộ, ngành Trung ương; Sở Tài nguyên và Môi trường hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, chuyên gia để thống nhất đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cho các nội dung sửa đổi Luật. Trong đó, trọng tâm là: “Sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch BVMT; bổ sung đánh giá sơ bộ tác động môi trường để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; quy định về giấy phép môi trường; chỉnh sửa, bổ sung các quy định về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân…”.
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng, “với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác BVMT, trong đó sẽ rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, đơn giản hóa thành phần hồ sơ thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu điện tử về môi trường.”
GS.TS. Đặng Kim Chi, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng phải tăng cường được sự thống nhất trong quản lý nhà nước về BVMT; phát huy vai trò trung tâm của người dân, doanh nghiệp cùng với sự tham gia quản lý của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phân công, phân cấp đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến chính quyền địa phương các cấp’; chú trọng vai trò của chính quyền cơ sở theo nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm”. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác BVMT, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề môi trường đặt ra của giai đoạn phát triển mới; tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về BVMT, thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại cuộc họp
Dự kiến, sau khi Ban soạn thảo, Tổ biên tập thống nhất các nội dung sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề,.. với sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, ngành Trung ương; chuyên gia trong nước; các tổ chức quốc tế; các địa phương; các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam; một số doanh nghiệp, tổ chức, hội nghề nghiệp… để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật.
Đồng thời, dự thảo Luật sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động của Luật, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trước khi trình Quốc hội thảo luận vào quý I năm 2020 và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào quý IV năm 2020.