Thùng xử lý rác thanh long của sinh viên kiến trúc
Thứ 3, 09/09/2014 - 16:56 GMT+7 Lượt xem: 72
Đều là sinh viên khóa 9, lớp KT09A2 của trường ĐH Kiến Trúc TPHCM, ba chàng trai miền Trung cùng sinh năm 1991 Đào Y Kha (quê Bình Thuận), Cao Đăng Khoa (Phú Yên), Tôn Thất Phu Trí (Huế) khiến bạn bè bất ngờ khi giành giải thưởng cao nhất cuộc thi Holcim Prize 2013 bằng một dự án không thuộc lĩnh vực đang theo học.
Trăn trở trước thực trạng thu gom rác thải từ cây thanh long ở vùng quê Bình Thuận, nhóm trưởng Đào Y Kha và các bạn đã loay hoay tìm giải pháp. Nếu để xác thanh long tự phân hủy sẽ mất thời gian khá lâu, gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân lan truyền mầm bệnh cho cây trồng.
Từ trái sang phải Cao Đăng Khoa, Tôn Thất Phu Trí, Đào Y Kha. Ảnh: NVCC. |
Trải qua nhiều lần thử nghiệm, mô hình “giun quế xử lý rác thải hữu cơ” cho thân cây thanh long để giảm thiểu ô nhiễm ra đời. Mô hình này còn giúp giảm chi phí nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân với phân giun được dùng để bón cây và xác giun sau khi hết vụ sẽ được bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
“Rác thải từ thân thanh long là dạng rác hữu cơ. Một số bà con tìm cách giải quyết rác thanh long bằng cách ủ hoai, chôn lấp nhưng lại tốn công và không thu được gì ngoài việc để cho vườn thanh long sạch sẽ hơn nên rất ít người làm điều này”, Đào Y Kha chia sẻ.
Nhóm sinh viên loay hoay thử nghiệm dùng men vi sinh rồi tro trấu, sử dụng ruồi lính đen, phương pháp chôn lấp... nhưng đều không có hiệu quả. Cuối cùng giun quế được chọn vì vừa dễ làm, vừa phân giải tốt. Ngoài việc giải quyết rác thải thanh long, có thể tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh giun quế.
Hệ thống thùng rác sinh học bao gồm 2 khay xếp chồng lên nhau. Kích thước của hệ thống thùng là 1200x 800x 300mm. |
Thùng rác này bao gồm hai khay xếp chồng lên nhau và được liên kết cố định bởi hệ thống khung bên ngoài. Bên dưới mỗi khay đều có một lớp lưới kẽm đan vuông (5 mm) để cho giun dễ dàng di chuyển qua lại giữa 2 khay. Thùng chứa được 0,3 m3 rác hữu cơ, tương ứng 165 kg rác tươi, có thể giải quyết được khối lượng rác thanh long của 40 cây mỗi năm.
“Mỗi tuần cả nhóm đều phải chạy xe hơn 200 km từ Sài Gòn về Bình Thuận để triển khai mô hình. Nhóm phải sắp xếp kỹ thời gian, lịch trình làm việc với thầy cô, địa phương và người dân để vừa hoàn thành tốt việc học vừa làm thành công dự án”, Kha cho biết.
Ngoài việc giải quyết rác thải thanh long, mô hình này có thể tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh giun quế. |
Dự án “Thùng rác sinh học” được bàn giao cho người dân tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, với kinh phí hỗ trợ gần 200 triệu đồng. Đây được xem là một giải pháp bền vững cho nông dân. Là một trong những mô hình nuôi giun quế, "thùng rác sinh học" được đánh giá là hoàn toàn mới về cả cách thức hoạt động lẫn quy mô phục vụ.
Ông Phan Tấn Trinh, Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận cho biết địa phương đánh giá rất cao dự án này. Qua thời gian ứng dụng thử, mọi người rất bất ngờ với kết quả đem lại. Chi phí đầu tư ban đầu hợp lý và cách vận hành đơn giản giúp bà con nông dân dễ dàng triển khai tại vườn nhà.
(Theo vnexpress.net)