Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngành Tài nguyên và Môi trường - Y tế cần phối hợp chặt chẽ, chung tay chống rác thải nhựa
Thứ 2, 19/08/2019 - 15:27 GMT+7 Lượt xem: 2338
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị hai ngành Tài nguyên và Môi trường và Y tế cần phối hợp chặt chẽ, cùng chung tay hành động để giải quyết rác thải nhựa, thực hiện thúc đẩy việc giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, quản lý chất thải nhựa.
Sáng ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế”.
Tham dự hội nghị có bà Sitara Syed, Quyền trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Văn phòng chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương cùng đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, sở Y tế, sở TN&MT tại các điểm cầu thuộc 63 tỉnh thành phố.
Rác thải nhựa đã trở thành vấn đề nhức nhối trên phạm vi toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thăm quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cùng chung nỗ lực của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa. Ngày 25 tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Thư gửi đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.
5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, cộng đồng đều biết, nhựa là vật liệu đa năng, nhẹ, bền và giá thành hợp lý; được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bao gồm cả ngành y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế”
Tuy nhiên chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu bởi những đặc tính bền và khó phân hủy của nó. Ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Ước tính có hơn 700 nghìn loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu, ước tính khoảng 8,3 tỉ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỉ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỉ tấn lích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 – 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân của các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bênh nhân và người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế. “Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (Khoảng 2 tấn/ngày).” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị đồng chí là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước tập trung chỉ đạo 1 số nội dung:
Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… Phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng
Rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế.
Tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; Bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra; Thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế.
Phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Tài nguyên và Môi trường và Y tế để chống rác thải nhựa
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao Hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế” và nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu từ các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể Trung ương, các địa phương và các vị khách quốc tế tham dự Hội nghị ngày hôm nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế”
“Nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà vui mừng và đánh giá cao Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; đồng thời có nhiều sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa, thực hiện thúc đẩy việc giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, quản lý chất thải nhựa.
Với nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa như hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức, phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa; Bộ đã hỗ trợ, cùng chung tay thành lập “Liên minh chống rác thải nhựa”, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam ngày từ năm 2018. Đặc biệt vào sáng ngày 09 tháng 6 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức tại Lễ ra quân phong trào chống rác thải nhựa, tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương và người dân trên toàn quốc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý chất thải nhựa và túi ni lông; hướng dẫn các hoạt động quản lý, xử lý chất thải nhựa và túi ni lông theo phân công.
Để phong trào chống rác thải nhựa tiếp tục lan tỏa sâu, rộng, đi vào thực chất, có hiệu quả trong các hoạt động y tế trên cả nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo:
Các cơ quan của Bộ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilong khó phân hủy; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa và túi nilong khó phân hủy trong hoạt động y tế.
Các đại biểu tham dự tập thể dục giữa giờ
“Theo đó, chúng ta cần đặt quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2021 các cơ sở y tế, các nhà thuốc, các cơ sở sản xuất dược phẩm tại các đô thị lớn không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; đến năm 2025 tất cả các hoạt động y tế trên cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bên cạnh đó, cần thực hiện phân loại triệt để chất thải rắn y tế phát sinh theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; tăng cường tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải ra môi trường. Tăng cường đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong phát triển các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động y tế.
Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa trên địa bàn mình quản lý; có văn bản chỉ đạo đơn vị trực thuộc mình quản lý không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ năm 2020; hạn chế sử dụng ngân sách để mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế đối với hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn y tế, chất thải nhựa theo đúng yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa; khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong phong trào chống rác thải nhựa hoặc sáng kiến có giá trị.
Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế chung tay hành động chống rác thải nhựa nhất là rác thải nhựa vì sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại và các quốc gia trên thế giới.
“Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm cao của ngành Y tế, ngành Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành và địa phương; chung tay, vào cuộc của mỗi người dân, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy kết quả phong trào chống rác thải nhựa đã đạt được, góp phần phát triển bền vững của đất nước.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ ký cam kết giảm thiểu và chống rác thải nhựa tại các đơn vị
Tại hội nghị, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, bà Sitara Syed, Quyền trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cùng các khách mời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế (các bệnh viện, viện, trường đại học) ký cam kết giảm thiểu và chống rác thải nhựa tại các đơn vị.
(Báo TN&MT)