Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Một số vấn đề và giải pháp cấp bách về quản lý tài nguyên và môi trường
Thứ 2, 01/08/2016 - 11:37 GMT+7 Lượt xem: 68
Lắng nghe những ý kiến đánh giá, phản biện đầy tâm huyết, sâu sắc và cũng là những gợi mở đối với ngành của các vị đại biểu Quốc hội trong mấy ngày qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã trình bày với Quốc hội 3 nội dung lớn liên quan tới tổng quát các lĩnh vực do Bộ quản lý; những vấn đề lớn, giải pháp cấp bách; và các vấn đề, giải pháp cụ thể được các đại biểu Quốc hội nêu.
Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT xin được trân trọng giới thiệu phần trình bày của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về nội dung lớn nêu trên.
Về tổng quát các lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT
Đây là lĩnh vực rộng, có thể nói, TN&MT vừa là không gian của sự phát triển, vừa là điều kiện và nguồn lực để phát triển và có tính kinh tế, chính trị và hội nhập sâu sắc.
Đến thời điểm này, phải thừa nhận, chúng ta đã từng bước, kiên trì xác lập từ chủ trương đến chính sách và pháp luật. Chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chúng ta đã có khá đồng bộ các chiến lược, các quy hoạch, đến các văn bản pháp lý liên quan tới lĩnh vực quản lý ngành TN&MT.
Việc thực thi hệ thống pháp luật này đã có tiến bộ nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vì thế điều này đã được các đại biểu Quốc hội cũng như báo cáo của Chính phủ chỉ ra rõ ràng. Đó là tình hình môi trường ô nhiễm, sự cố môi trường, lãng phí tài nguyên vẫn diễn ra, có khi, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng.
Tình hình này cũng đã được chỉ ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Họ đã đi trước chúng ta, để lại cho chúng ta nhiều bài học, vấn đề là chúng ta phải làm gì để rút ra được kinh nghiệm từ những bài học đó, tránh bị lặp lại, khắc phục những tồn tại và làm tốt hơn trong tương lai.
Về các giải pháp lớn trong thời gian sắp tới
Thứ nhất, cần phải xác lập và lấy phát triển bền vững là kim chỉ nam cho phát triển đất nước. Các chủ trương lớn này đã được Ban Chấp hành Trung ương ban hành trong các Nghị quyết liên quan, vấn đề là chúng ta phải cụ thể hóa để triển khai một cách hiệu quả.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện một cách hệ thống từ chủ trương, chính sách, pháp luật và các điều kiện để tổ chức thực hiện đồng bộ, minh bạch, công khai - vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba, tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước về TN&MT, bảo đảm thực thi tốt nhất chủ trương, chính sách, pháp luật đã được ban hành.
Về các giải pháp cấp bách
Để đáp ứng yêu cầu của nhiều đại biểu Quốc hội, cũng như những vấn đề môi trường lớn được đặt ra của đất nước, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt, trong năm 2015-2016, các nhà lãnh đạo thế giới đã xác định đó là thời điểm để chuyển sang một trang mới, một kỷ nguyên mới về xác định mô hình phát triển mới - Đó là mô hình về tăng trưởng xanh, kinh tế các bon thấp; để chuyển từ năng lượng "đen" sang năng lượng "nâu". Chúng ta cần có những việc làm cấp bách, cụ thể.
Chúng ta thấy rằng, Việt Nam đã có khá đồng bộ các chủ trương, chính sách có liên quan trong lĩnh vực TN&MT; đã xác định các quan điểm trước mắt cũng như lâu dài, Chính phủ trên cơ sở đó cần xác lập các tiêu chí ưu tiên của các dự án đầu tư; với việc đề ra tiêu chí an toàn môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, năng lượng sạch, công nghệ các bon thấp.
Về phía Bộ TN&MT, chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai ngay những công việc sau:
Thứ nhất, rà soát, đề xuất nâng cao các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Điều này đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 24 NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Thứ hai, rà soát các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm nặng trên phạm vi cả nước. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiến hành thanh tra chuyên đề với các cơ sở có nguồn thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên; đồng thời thanh tra toàn diện các mặt từ chủ trương đầu tư đến đánh giá tác động môi trường, hậu kiểm, thanh tra kiểm tra; kể cả công tác quản lý nhà nước ở các cấp cho đến việc chấp hành của các doanh nghiệp. Đến tháng 9 sẽ kết thúc giai đoạn 1.
Thứ ba, tích cực cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quản lý các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả, được doanh nghiệp và người dân tin cậy.
Thứ tư, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý TN&MT; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên phạm vi toàn quốc, theo hướng sử dụng công nghệ quan trắc tự động, kết nối thông tin qua mạng.
Thứ năm, hội nhập sâu rộng với thế giới. Đặc biệt hiện nay, chúng ta đã ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta đã cùng với các nhà lãnh đạo thế giới thông qua các chỉ tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ. Chúng ta cũng cần hội nhập sâu rộng, tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, cũng như cần tham gia vào xây dựng các thiết chế liên quan tới quản lý tài nguyên, đặc biệt là vấn đề môi trường, tài nguyên nước xuyên quốc gia.
Việt Nam đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris 2016. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét và phê chuẩn; đồng thời, chúng ta sẽ tận dụng để chuyển các thách thức thành cơ hội phát triển của Việt Nam, đặc biệt để xây dựng mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.
Về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt liên quan tới vấn đề đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cũng như nhiều vấn đề khác liên quan tới biến đổi khí hậu trên cả nước, tôi xin được thông tin đến các đại biểu Quốc hội như sau: Chúng ta đã có những chủ trương đồng bộ như đã nói ở trên, có Nghị quyết của Trung ương, có chiến lược, có quy hoạch, và đã có kịch bản về biến đổi khí hậu lần thứ 3, trên cơ sở cập nhật những diễn biến gần đây nhất của toàn cầu. Đồng thời, thông qua hợp tác quốc tế, đánh dấu sự đóng góp, hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế. Đối với ĐBSCL, chúng ta đã huy động được Chính phủ và các chuyên gia Hà Lan phối hợp để xây dựng và phê duyệt Kế hoạch Châu thổ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế cho người dân. Vừa qua, Chính phủ cũng đã huy động được từ Ngân hàng thế giới hơn 120 triệu USD ban đầu cho Dự án toàn diện về thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL và sinh kế cho người dân. Vấn đề ĐBSCL đã được nhìn nhận với những giải pháp cấp bách cũng như tầm nhìn dài hạn thích ứng với BĐKH trên định hướng phát triển kinh tế nước mặn - nước ngọt - nước lợ và đảm bảo bền vững hơn.
Liên quan đến sự cố Formosa, đến thời điểm này, báo cáo Quốc hội, chúng ta đã làm được những công việc bước đầu. Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn các đại biểu Quốc hội và Nhân dân trong cả nước đã dành sự chú ý, ủng hộ cho việc truy tìm nguyên nhân sự cố. Sự chia sẻ này giúp chúng tôi làm tốt những công việc ban đầu. Đến ngày 28/7, phía Formosa đã thực hiện cam kết, chuyển số tiền bồi thường ban đầu 250 triệu USD. Đến nay, các công việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ có báo cáo trước Quốc hội.
Tôi xin báo cáo một số công việc cụ thể đang được Bộ TN&MT thực hiện khẩn trương:
Thứ nhất, Bộ TN&MT đang tiến hành xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với Formosa (53 sai phạm). Cùng với đó là một Kế hoạch toàn diện khắc phục các vi phạm của Formosa, từ chuyển đổi công nghệ cho đến hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải và khí thải; đồng thời, triển khai các hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như hồ sinh học (với các chỉ thị sinh học) có thể chứa lượng nước trước khi thải ra biển độ khoảng 7 ngày, có hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả các chỉ tiêu liên quan gây ô nhiễm môi trường biển.
Thứ hai, ngay từ khi có sự cố, cùng với việc điều tra đánh giá, xác định nguyên nhân, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành cũng đã đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, vấn đề suy thoái các hệ sinh thái môi trường biển. Đến nay, các điều tra, nghiên cứu ấy đã được tiến hành bài bản, hệ thống, khoa học, bước đầu đã có thông tin đưa ra. Dự kiến khoảng 15/8, các thông tin về chất lượng môi trường sẽ được đánh giá bởi Hội đồng với sự tham gia của các nhà khoa học về: về phương pháp đánh giá, về mức độ đánh giá hiện nay, về những giải pháp cụ thể để chúng ta có thể khắc phục nếu còn tồn lưu ô nhiễm; đồng thời, xác định các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái môi trường.
Cùng với đó, Bộ TN&MT được Chính phủ chỉ đạo xây dựng Dự án giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền Trung, mở rộng ra đến Thanh hóa và vào đến Đà Nẵng. Hệ thống này sẽ giúp chúng ta chủ động cung cấp thông tin cho người dân, đồng thời, giám sát môi trường minh bạch đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.
Cùng với các công việc này, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT trong Dự án hỗ trợ sinh kế người dân, sẽ có giải pháp liên quan đến sử dụng kinh phí bồi thường để phục hồi các hệ sinh thái biển trên cơ sở có những đánh giá và giải pháp cụ thể.
Đối với sự cố Formosa, như một đại biểu nói "tạo ra tiền lệ mới đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về TN&MT", đặc biệt liên quan đến vấn đề quy chuẩn, đánh giá tác động môi trường, các quy trình giám sát hậu ĐTM, cũng như thanh tra, kiểm tra.
Một số vấn đề các đại biểu góp ý về vấn đề tài nguyên nước, đất đai và các vấn đề khác, tôi xin được tiếp thu toàn bộ ý kiến và rất mong có điều kiện được trao đổi trực tiếp với các đại biểu về các giải pháp nói trên.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!
(Theo CTTĐT Bộ TN&MT)