Việt Nam tiếp tục đóng góp vì một môi trường biển ASEAN lành mạnh
Thứ 5, 18/06/2015 - 09:56 GMT+7 Lượt xem: 14
Ngày 15-16/6, tại Singapore, cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về Môi trường biển và đới bờ (AWGCME) lần thứ 16 diễn ra, trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước ASEAN về môi trường. Bà Marlynn M. Mendoza, Chuyên gia cao cấp của Cục Quản lý Đa dạng sinh học thuộc Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philippin, thay mặt Trưởng nhóm AWGCME chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đại diện các nước thành viên ASEAN gồm: Brunei Darussalam, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philippin, Singapore, Thailand, Việt Nam; Ban thư ký ASEAN.Ngoài ra có sự tham gia “phiên thảo luận kỹ thuật” của các đối tác khu vực của nhóm công tác (PEMSEA, IUCN MFF, CTI), Trung tâm Đa dang sinh học ASEAN (ABC) và một số tổ chức thuộc Chính phủ và phi Chính phủ của nước chủ nhà Singapore.
Đoàn Việt Nam có 4 thành viên đại diện cho: Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Trưởng đoàn), Văn phòng các Quan chức cao cấp ASEAN Việt Nam về môi trường (ASOEN), Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Trưởng Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ.
Cuộc họp Nhóm công tác lần thứ 16 đã tập trung thảo luận và đánh giá tiến độ thực hiện các hoạt động của Nhóm công tác giữa 2 kỳ họp ở cấp quốc gia và khu vực. Đồng thời cập nhật thông tin và đề xuất các sáng kiến mới từ các nước thành viên ASEAN liên quan tới các vấn đề môi trường biển và đới bờ trong khu vực.
Cuộc họp đã ghi nhận các kết quả và định hướng hoạt động của các tổ chức đối tác về biển của Nhóm công tác về: bảo tồn đa dạng sinh học biển và quản lý các khu bảo tồn biển, các di sản biển ASEAN (ASEAN marine heritage), quản lý tổng hợp vùng bờ trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng,…
Cuộc họp cũng ghi nhận các thông tin từ các quyết định của ASEAN liên quan tới nhiệm vụ của Nhóm công tác do Ban Thư ký ASEAN về môi trường trình bày, như: thực hiện Kế hoạch hành động Cộng đồng văn hóa ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 về khía cạnh môi trường; Nghị quyết của các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN liên quan (bao gồm Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh bày tỏ quan ngại về các hoạt động thay đổi các thực thể tự nhiên ở Biển Đông tác động xấu đến hòa bình, ổn định và môi trường khu vực; các dự thảo các hoạt động của Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; các thông tin cập nhật về các dự án khu vực, quốc tế liên quan đến môi trường biển và đới bờ, cũng như các vấn đề liên quan khác).
Tại cuộc họp lần này, Việt Nam đã báo cáo tiến độ và kết quả hoàn thiện đề xuất dự án về “Biến đổi khí hậu và các vùng bờ ASEAN: Tính tổn thương, tác động và thích ứng” theo yêu cầu của cuộc họp lần thứ 15 Nhóm công tác và Nhà tài trợ (Quỹ ASEAN - Nhật Bản: JAIF). Cuộc họp lần thứ 16 tiếp tục đề nghị Việt Nam phối hợp với Ban thư ký ASEAN về Môi trường làm rõ một số thông tin và hoàn chỉnh đề cương Dự án vào cuối tháng 7 năm 2015 để trình Nhà tài trợ xem xét và quyết định triển khai sớm.
Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia và tích cực đóng góp ý kiến trong các phiên thảo luận như: đề nghị các nước thành viên chủ động trình ASEAN xem xét và công nhận thêm các địa điểm Di sản biển ASEAN (đến nay mới có 4 điểm ở Thái Lan, Philippin và Malaysia); đề nghị với Sáng kiến Tam giác San hô (CTI) “mở rộng Tam giác San hô Quốc tế (trung tâm là Philippin và Indonesia) sang một phần của Biển Đông (trung tâm là vùng biển quần đảo Trường Sa). Vì khu vực này của Biển Đông có tới 517 loài san hô (công bố quốc tế năm 2014) so với 566 loài đã phát hiện ở Tam giác San hô Quốc tế.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 họp tại Kuala-Lumpuar (Malaysia) ngày 27 tháng 4 năm 2015 liên quan tới những quan ngại sâu sắc của một số người đứng đầu các nước thành viên ASEAN về hoạt động bồi đắp các bãi cạn, làm thay đổi các thực thể tự nhiên ở Biển Đông; làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, có thể phương hại đến hòa bình, an ninh, ổn định và môi trường khu vực Biển Đông.
(VEA)