Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam báo cáo hoạt động và giới thiệu cơ chế hỗ trợ tài chính tại Hội nghị hỗ trợ tài chính năm 2019
Thứ 3, 07/05/2019 - 17:08 GMT+7 Lượt xem: 2128
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị hỗ trợ tài chính năm 2019 do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức tại Dinh Độc lập, Tp. Hồ Chí Minh. Bà Dương Thị Phương Anh – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã có báo cáo kết quả hoạt động cũng như giới thiệu về cơ chế hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Dương Thị Phương Anh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam báo cáo tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Bà Dương Thị Phương Anh – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, là tổ chức tài chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2002. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng thu hút và huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ tài chính các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau 17 năm thành lập và đi vào hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án bảo vệ môi trường thông qua các hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất đầu tư, trợ giá dự án CDM, hỗ trợ giá điện gió nối lưới...
Tính đến thời điểm 31/12/2018 cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đạt khoảng 2.522 tỷ đồng cho 294 dự án, tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 2,6%/năm, thời gian vay tối đa 10 năm, thời gian ân hạn lên tới 2 năm phần nào đã thu hút, khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong cả nước.
Hoạt động tài trợ cũng phát huy tính kịp thời và cấp thiết, đặc biệt là công tác tài trợ khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường sau thiên tai, bão, lũ. Đến nay, số dự án được tài trợ là 183 dự án, tại 32 tỉnh, thành phố với số tiền tài trợ là trên 91 tỷ đồng.
Công tác tổ chức đăng ký, theo dõi quản lý CERs: đăng ký CERs cho 56 dự án CDM với trên 12 triệu CERs; thu lệ phí bán/chuyển CERs với số tiền trên 45 tỷ đồng của 40 dự án CDM; Hỗ trợ các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu với số tiền gần 3 tỷ đồng; trợ giá sản phẩm dự án CDM số tiền 234,8 tỷ đồng cho dự án Phong điện 1 Bình Thuận; hỗ trợ giá điện cho các dự án điện gió nối lưới giai đoạn từ năm 2013 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2018, tổng số tiền hỗ trợ giá điện trên 244 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2018, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) khai trương và bước đầu đi vào hoạt động văn phòng đại diện tại TP.HCM; tiếp nhận Văn phòng Ban Chỉ đạo Quỹ Môi trường toàn cầu của Việt Nam (GEF) từ Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TNMT.
Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ tập trung các giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng, tăng cường hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát nợ xấu; mở rộng các hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở tiếp thu các nguồn lực mới; duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm > 20%/năm; mở mới nghiệp vụ hỗ trợ 10% vốn triển khai ứng dụng sáng chế BVMT…
Với những kết quả đạt được nêu trên, Bà Dương Thị Phương Anh khẳng định sự hỗ trợ thiết thực của Quỹ BVMT Việt Nam đã tạo điều kiện, khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hình thành các nhà máy xử lý rác thải, chất thải, nước thải, sản xuất sạch hơn, thân thiện hơn, thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Bà Dương Thị Phương Anh cũng cho rằng trong quá trình hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam còn có một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế cho vay, hỗ trợ lãi suất, tài trợ và đặc biệt, nguồn vốn hoạt động của Quỹ còn khiêm tốn. Do đó, số lượng các dự án được hỗ trợ tài chính của Quỹ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Hội nghị nhận được sự quan tâm từ nhiều cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn, báo chí và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Hội nghị...