KHỞI ĐỘNG XÂY DỰNG THÔNG BÁO QUỐC GIA LẦN 3 VỀ BĐKH
Thứ 3, 29/12/2015 - 01:18 GMT+7 Lượt xem: 274
Ngày 29/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khởi động dự án “Việt Nam: Xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)”, do Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo
PGS.TS. Trần Thục – Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết: Hiện nay, Việt Nam có khá nhiều thuận lợi để xây dựng Thông báo Quốc gia lần ba. Chúng ta đã có Thông báo lần 1, lần 2; Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần lần thứ nhất, Báo cáo Dự kiến đóng góp do Quốc gia tự quyết định; Luật KTTV cũng nêu rõ việc xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê khí nhà kính… Ngoài ra, Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình khoa học, dự án cụ thể phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu…
Việc xây dựng Thông báo quốc gia lần ba nhằm thu thập các thông tin kiểm kê khí nhà kính của nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, hình thành cơ sở dữ liệu để xây dựng/cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH cho biết: Thông báo lần ba này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường lấy ý kiến các Bộ ngành, đơn vị chuyên môn, đồng thời phối hợp sử dụng các báo cáo đánh giá gần đây. “Bộ sẽ tận dụng tối đa các nguồn lực, đảm bảo yêu cầu cập nhật những thông tin mới nhất của UNFCCC”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tai hội thảo, Cục KTTV&BĐKH đã công bố nội dung, kế hoạch tổ chức hoạt động và kết quả chính dự kiến của Thông báo Quốc gia lần 3. Các hoạt động của dự án sẽ đánh giá tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực chủ yếu như: Nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp… từ đó, đề ra các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ nhằm xây dựng nền kinh tế các bon thấp theo hướng tăng trưởng xanh. Dự án cũng sẽ tăng cường năng lực về khoa học công nghệ, nhân lực; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH và lồng ghép BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH của các Bộ, ngành, địa phương.
* Dự án trên được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ đầu năm 2016 – cuối năm 2018), với tổng số vốn là 630.000 USD. Trong đó, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ không hoàn lại 480.000 USD thông qua Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản dự án.
* 10 hợp phần Dự án “Việt Nam: Xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”: 1. Quản lý dự án; Giám sát đánh giá quốc gia. 2. Kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm 2014. 3. Tác động của BĐKH và các biện pháp thích ứng (bao gồm cả việc đánh giá tính dễ bị tổn thương và thích ứng với BĐKH). 4. Các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm phân tích các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội quan trọng). 5. Phát triển chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường. 6. Nghiên cứu và quan trắc hệ thống 7. Giáo dục , đào tạo và nâng cao nhận thức công chúng 8. Lồng ghép biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển bền vững. 9. Thông tin và mạng lưới thông tin. 10. Tổng hợp, hoàn thiện, đệ trình và công bố. |
Theo báo TN&MT