Hội nghị Xúc tiến hỗ trợ tài chính đầu tư bảo vệ môi trường năm 2016 Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
Thứ 3, 19/04/2016 - 15:04 GMT+7 Lượt xem: 9
Với mục đích tạo diễn đàn trao đổi về các cơ chế ưu đãi đầu tư, tiếp cận với các nguồn tài chính ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) Việt Nam và các Tổ chức tín dụng khác; chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận các cơ chế tài chính hỗ trợ từ Quỹ BVMT Việt Nam. Ngày 14/4, tại thành phố Đà Nẵng, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến hỗ trợ tài chính đầu tư bảo vệ môi trường năm 2016. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có gần 400 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành, Chi cục môi trường các tỉnh, các Quỹ Bảo vệ Môi trường địa phương, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình trung ương và địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đánh giá những thành công của Quỹ BVMT Việt Nam trong việc thực hiện cho vay và tài trợ các khoản vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho các dự án đầu tư bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế và nguồn vốn chưa thật thỏa đáng. Số vốn chưa đáp ứng nhu cầu nguồn vốn và còn khá hạn chế. Việc tổ chức hội nghị để các tổ chức, doanh nghiệp, quỹ tham gia tìm ra các phương án phù hợp, phát hiện các khó khăn, tìm cơ chế phù hợp và sử dụng nguồn vốn hữu hiệu. Ngoài ra, tìm ra các công nghệ phù hợp cho công tác BVMT và các vấn đề liên quan khác hiệu quả trong tương lai với mục đích khuyến khích hiệu quả cùng các địa phương trong toàn quốc về công tác BVMT.
Thứ trưởng, Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ BVMTVN phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo Bà Dương Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, sau hơn 15 năm đi vào hoạt động, Quỹ BVMT Việt Nam đã cho hàng trăm dự án bảo vệ môi trường được vay với lãi suất ưu đãi với tổng số tiền hơn 1.457 tỷ đồng, tài trợ các hoạt động bảo vệ môi trường với số tiền hơn 28 tỷ đồng, ký quỹ môi trường đạt hơn 117 tỷ đồng, thu lệ phí bán/chuyển Chứng chỉ giảm phát thải hơn 40 tỷ đồng, trợ giá điện gió hơn 247 tỷ đồng, đã giúp các doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn về nguồn vốn, nâng cao hình ảnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường. Trong quá trình cho vay, nhờ kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ động, nợ xấu nên Quỹ luôn được kiểm soát mức nợ xấu dưới 3%.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để cho các đại biểu trao đổi, thảo luận. Hầu hết các ý kiến đều liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn của Quỹ. Ông Nguyễn Nam Phương Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trực tiếp giải thích cũng như hướng dẫn về cách thức tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh các ý kiến trao đổi, các doanh nghiệp cũng có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các doanh nghiệp đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Các vấn đề hội nghị đặt ra đã đáp ứng đúng mong muốn của các đại đại biểu tham dự. Gần 400 đại biểu đã có mặt ngày làm việc trong không khí sôi nổi, tập trung. Các vấn đề đưa ra thảo luận hết sức bổ ích cho các cơ quan quản lý, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư bảo vệ môi trường
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kết luận một số nội dung quan trọng trong hoạt động của Quỹ BVMT Việt Nam và Quỹ BVMT các địa phương trong thời gian tới:
Một là, Hoàn thiện hệ thống pháp lý, trước mắt giao các đơn vị chức năng sớm soạn thảo và trình ban hành các Thông tư hướng dẫn cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, tài trợ và đồng tài trợ của Quỹ BVMT Việt Nam. Cơ chế hoạt động cho các Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương,.
Hai là, Ưu tiên các nguồn lực của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để xử lý môi trường ở các khu vực nông thôn, phục vụ xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các nhà khoa học để xây dựng các mô hình công nghệ phù hợp đưa vào thực tế cuộc sống để xử lý môi trường ở các khu công nghiệp, sản xuất nông, thủy hải sản, thực phẩm....
Ba là, Mở rộng hỗ trợ tài chính các dự án bảo vệ môi trường; tranh thủ các nguồn vốn trong nước, vốn ngân sách, vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng thế giới, kể cả các tổ cá nhân, các doanh nghiệp hỗ trợ bảo vệ môi trường.