Hội nghị Hỗ trợ tài chính năm 2019 sôi nổi với phần giới thiệu và giải đáp thắc mắc về Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019
Thứ 6, 05/07/2019 - 17:06 GMT+7 Lượt xem: 1735
Cũng trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, các đại biểu đã được Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu về Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT
giới thiệu về Nghị định 40/2019/NĐ-CP tại Hội nghị
Theo đó có rất nhiều các quy định mới giải quyết được những vấn đề còn chồng chéo trong các văn bản pháp luật trước đó như Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP đã được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần quán triệt, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT. Nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” và đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa”.
Một số thay đổi nổi bật trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP như:
- Danh mục các loại hình gây ô nhiễm môi trường (17 loại), có sự phân biệt giữa các loại hình, đối tượng trong quản lý môi trường;
- Đồng nhất thẩm quyền cấp phép giữa các lĩnh vực TN&MT (ĐTM, nhận chìm, xả nước thải vào nguồn nước, cấp phép khoáng sản…);
- Cắt giảm, đơn giản hoá và lồng ghép nhiều TTHC; giảm 15-25 ngày thực hiện TTHC; chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”;
- Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương;
- Các dự án đầu tư trong KCN được giảm các yêu cầu BVMT;
- Thực hiện chế độ tích hợp báo cáo môi trường của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định 40/2019/NĐ-CP đã làm rõ, bổ sung các đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược trong quy định Danh mục các đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; Bổ sung, thay mới Danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; Bổ sung chi tiết các nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại được điều chỉnh từ 03 năm đã được tăng lên 05 năm kể từ ngày cấp; Quy định nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất …
Đây là một Nghị định mới nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp. Vì vậy, tại phần thảo luận, trao đổi và giải đáp thắc mắc về các quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, Hội nghị đã nhận được rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp về chỉ số Amoni trong quan trắc tự động, quy định về hồ ứng phó sự cố môi trường, đơn giá xử lý chất thải … Các câu hỏi của các doanh nghiệp đã được Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TNMT giải đáp tại Hội nghị và sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận và giải đáp thông qua hình thức văn bản nhằm bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các quy định tại Thông tư hướng dẫn Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sẽ ban hành trong thời gian tới.
Các đại biểu tích cực thảo luận về Nghị định số 40/2019/NĐ-CP: