Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh
Thứ 2, 30/05/2016 - 11:32 GMT+7 Lượt xem: 250
Sáng 28/5, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức diễn đàn "Doanh nghiệp tiên phong đổi mới công nghệ phát triển kinh tế xanh bền vững". Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đến dự và phát biểu khai mạc diễn đàn.
Kinh tế xanh là xu thế toàn cầu
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, trong bối cảnh tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, BĐKH ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền Kinh tế Xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 403 ngày 20/3/2014, một trong những mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến là nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với BĐKH. Để phát triển đất nước bền vững, công nghệ xanh sẽ là nhân tố quyết định cho việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững; giảm sử dụng năng lượng hóa thạch.
Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”, “kinh tế nâu”.
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định: Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của doanh nghiệp hiện nay, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang lại hiệu quả của nền kinh tế xét trong dài hạn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong bối cảnh Hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhất là tới đây Việt Nam tham gia Hiệp định tự do thương mại với châu Âu và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương –TPP, nếu doanh nghiệp sớm đổi mới công nghệ phù hợp với các tiêu chuẩn cao của thế giới, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng kinh tế xanh là xu thế toàn cầu, chính phủ các nước đã có chiến lược phát triển kinh tế xanh, yêu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi phải sử dụng nó một cách bền vững.
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu
Doanh nghiệp cần nhà nước “tiếp sức”
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới; đồng thời chia sẻ những thành tựu mà doanh nghiệp đã đạt được, cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình tìm kiếm, đổi mới công nghệ.
Ông Huỳnh Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP H-T Giang San (TP.HCM) cho biết: trong những năm qua, công ty đã tập trung nghiên cứu, đầu tư nhiều công nghệ hiện đại để xử lý các loại rác thải: vừa tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, không tốn diện tích đất, đặc biệt còn tạo ra các sản phẩm hữu dụng. Công ty đã hợp tác lắp đặt các công nghệ này tại một số địa phương như Long An, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Tây Ninh...và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Bùi Hữu Thiện – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ môi trường và năng lượng mới TTD cho rằng: Công nghệ chôn lấp hiện nay đã cho thấy nhiều nhược điểm không thích hợp với phát triển bền vững; rác thải được xem là nguyên liệu; từ rác có thể sản xuất nhiều sản phẩm hữu dụng: điện năng, nhiệt điện, phân bón, gạch không nung, nguyên nhiên liệu tái sinh…
“Do đó, để học hỏi công nghệ tiên tiến từ các nước trên thế giới, công ty đã hợp tác với các các đối tác liên kết như: COVANTA (Mỹ); Tập đoàn MBM có trụ sở ở Dubai, Đức và Anh; Raschka Engineering Ltd; Công ty sản xuất thiết bị OMS Machinery…” – ông Bùi Hữu Thiện chia sẻ.
Toàn cảnh diễn đàn
Ông Đào Xuân Hữu - Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng phát triển công nghệ khí sinh học Hữu Quỳnh cho biết: Hầm Biogas sáng chế của Công ty luôn được cải tiến, đổi mới, cấu tạo của hầm biogas có nhiều chức năng tự động, tự đẩy như tự động phá váng, tự xả gas khi quá thừa, tự động đẩy cạn bã ra bể chứa; không phải dọn, sục, hút, rất thông thoáng, không tắc nghẽn; gas nhiều, sử dụng liên tục không mất gas; công suất sử dụng lớn gấp đôi so với biogas thường; chất lượng vượt trội; sử dụng dễ dàng, an toàn thuận lợi. Công ty đã bảo hành dài hạn cho dân 10 năm. Hầm biogas của Công ty đã được trao thương hiệu “Thân thiện với môi trường”, được giải cúp vàng năm 2013, được sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2014.
Tuy nhiên, để mở rộng và phát huy hiệu quả của các công trình nghiên cứu, đổi mới công nghệ vào thực tế, các doanh nghiệp hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, cơ chế chính sách…rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.
Đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Vì việc đổi mới công nghệ yêu cầu chi phí lớn nên Nhà nước đã có nhiều chính sách và hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới kinh tế xanh như hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; hỗ trợ từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; hỗ trợ từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh vẫn là vấn đề thách thức đối với những nước đang phát triển như Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Quất cho rằng: Chưa có quy định nào có tính ưu đãi đối với nền kinh tế xanh. Điển hình như chủ trương hạn chế sử dụng túi nilon, mặc dù loại túi này tồn tại từ 200 - 300 năm ngoài môi trường vẫn không phân hủy, tuy nhiên việc khuyến khích sử dụng túi sinh học thân thiện môi trường còn gặp nhiều khó khăn, chỉ được một thời gian rồi lại bỏ.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, kinh tế xanh đòi hỏi sử dụng tiết kiệm năng lượng; sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm hơn để khấu hao sản xuất ít hơn; phương thức sản xuất và phương thức tiêu dùng thân thiện hơn với cuộc sống và môi trường. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải đổi mới chu trình sản xuất, cách thức quản lý và đổi mới công nghệ, từ đó, tạo ra những ngành nghề mới, cơ hội mới cho doanh nghiệp.
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng: để nắm bắt cơ hội đổi mới công nghệ hướng đến nền kinh tế xanh, doanh nghiệp cần phải nắm được các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, xu thế chung hiện nay đang có nhiều khuyến khích và ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm thực hiện các chương trình, mục tiêu thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình sang kinh tế xanh; mở rộng giao lưu, học hỏi, nhất là chủ động tham gia các Hội chợ công nghệ trong nước và thế giới về “công nghệ xanh”, “đổi mới xanh”, “hành động xanh”…, để từ đó nắm bắt được xu hướng chung toàn cầu, những công nghệ xanh thế giới đang thực hiện và hướng tới, lựa chọn những công nghệ phù hợp với mình; chuẩn bị đầu tư bài bản để đổi mới công nghệ theo các tiêu chí xanh của sản phẩm, tận dụng các nguồn vốn sẵn có và ưu đãi cho đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao thân thiện môi trường, sẵn sàng chấp nhận và loại bỏ các công nghệ cũ, đã lỗi thời không đảm bảo chất lượng sản phẩm và gây tổn hại cho môi trường.
Ông Hoàng Văn Thành - Tổng biên tập Báo TN&MT phát biểu tổng kết diễn đàn
Phát biểu tổng kết diễn đàn, ông Hoàng Văn Thành – Tổng biên tập Báo TN&MT, đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, Ban tổ chức sẽ tập hợp đầy đủ các ý kiến để gửi các cơ quan có liên quan để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhằm góp phần đảy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Bài: Mai Đan - Ảnh: Hoàng Minh
Theo Bộ TN&MT