Cần tầm nhìn và định hướng phát triển dài hạn cho Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ 4, 04/02/2015 - 08:53 GMT+7 Lượt xem: 21
Trong hai ngày 2 – 3/2, tại TP.HCM, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Đại sứ quán Australia và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2015.
Chủ trì Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Đại sứ Australia và Đại sứ Hà Lan.
Tham dự Diễn đàn còn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và đại diện các Bộ, ngành liên quan; các Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các vị Đại sứ và đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long .
Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa lớn về mặt phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đối với Việt Nam mà còn với toàn thế giới. Đây cũng chính là vùng châu thổ phì nhiêu của sông Mê Công, khu vực vô cùng phong phú về đa dạng sinh học, là nơi cư trú và điểm dừng chân di cư của nhiều loài chim, cá, có ý nghĩa lớn về bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới. Ngoài ra, thời gian qua, khu vực này đã đóng góp đến 27% GDP với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa bao giờ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các áp lực ngày càng lớn của sự phát triển kinh tế xã hội còn chưa thực sự bền vững.
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn ngày 2/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửa Long phải chú trọng một số hoạt động trọng tâm mang tính đồng bộ, liên vùng, dài hạn và bền vững nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển thịnh vượng của vùng như: dự báo, cảnh báo thiên tai, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm, khả năng sụt lún, giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thực hiện các giải pháp công trình và các giải pháp phi công trình…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho rằng, với các thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải, nỗ lực của một tỉnh, một ngành không đủ để đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài ở khu vực này. Vậy nên, cần có một tầm nhìn, đường lối và định hướng phát triển dài hạn cho khu vực Đồng bằng sông Cửa Long. Cụ thể, cần tiếp tục định hướng phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực này. Quá trình chuyển đổi sang giai đoạn tiếp theo cũng cần các điều chỉnh phù hợp về chính sách, cách thức quản lý, cải thiện công nghệ, tăng cường năng lực... phù hợp.
“Chúng ta không thể có một tầm nhìn “cứng” cho khu vực này khi mà các yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh đang tương tác, tác động lẫn nhau và ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực đồng bằng và không thể tách rời khỏi sự phát triển của khu vực. Chính vì thế, chúng ta cần xây dựng một lộ trình, trong đó có các kịch bản khác nhau, về đường lối phát triển cho khu vực này, kết hợp với các kịch bản phát triển khác như phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển thượng nguồn… mà chúng ta có thể lựa chọn đường lối phát triển tốt nhất cho khu vực này”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe đại diện của Ngân hàng Thế giới trình bày về các kiến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp tổng hợp cho khả năng ứng phó của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, những nguyên tắc được chia sẻ giữa Chính phủ và các đối tác quốc tế có thể giúp Việt Nam đưa ra các quyết định đầu tư. Thông qua các nguyên tắc chung này, Việt Nam có thể xây dựng chiến lược mà dựa vào đó đưa ra các quyết định đầu tư và mang lại các kiến thức và kinh phí cần thiết.
Do vậy, Bộ trưởng tin tưởng với sự tham dự của đông đảo của các đối tác quốc tế thể hiện sự quan tâm và nhiệt huyết vì Đồng bằng sông Cửu Long, Diễn đàn sẽ góp sức tìm ra lời giải vì một tương lai bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long.