Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đẩy mạnh quản lý TN&MT phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế
Thứ 6, 04/11/2016 - 13:14 GMT+7 Lượt xem: 15
Chiều 02/11, tại phiên thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu QH đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có bài phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định tái cơ cấu vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Là một đại biểu Quốc hội, tôi xin được trân trọng, đánh giá cao những nội dung đã nêu ở hai Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và rất nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đóng góp cho các Báo cáo này, cũng như cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu Bộ trưởng đã kết hợp giải trình một số ý kiến các đại biểu đã nêu.
Đẩy mạnh công tác quản lý đất đai
Với lĩnh vực quản lý tài nguyên đất, Bộ trưởng khẳng định, đất đai là tài nguyên quý giá của đất nước. Việc sử dụng hiệu quả đất đai là yêu cầu cấp bách. Cho đến nay, chúng ta chưa làm được điều đó, như nhiều ý kiến sáng nay đã nêu. Vấn đề lãng phí đất đai; đất đai ở các nông, lâm, trường quản lý chưa hiệu quả; vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai là những vấn đề nóng bỏng, và nếu chúng ta tiếp cận quản lý tốt cũng là phục vụ tốt cho tái cơ cấu kinh tế của đất nước.
Để làm được điều đó, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ chủ động nghiên cứu, hiện đại hóa công tác quy hoạch sử dụng đất đai và quản lý sử dụng đất, trên cơ sở tiếp cận kinh tế thị trường, các chính sách đồng bộ, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin. Hai là kiểm kê quỹ đất trong phạm vi cả nước, đặc biệt là quỹ đất các nông lâm trường.
Bộ đã tập trung cùng Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỷ đồng để thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính; cũng như cùng với các địa phương xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm, trường này. “Cho đến nay, 39 địa phương đã triển khai, trong đó, bước đầu 10 địa phương đã hoàn thành xong công tác đo đạc, thực hiện cấp giấy; sử dụng nguồn lực này theo hai hướng giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất, hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân có năng lực, có phương án sử dụng đất hiệu quả thông qua hình thức đấu thầu quyền sử dụng đất. Điều này sẽ thu được nguồn lực lớn của đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định luật pháp, cơ chế chính sách sử dụng đất theo hướng cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị lớn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu trong giờ giải lao chiều 02/11. Ảnh: Việt Hùng |
Lập kế hoạch thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu
Vấn đề thứ hai ảnh hướng lớn tới quá trình phát triển trong biến đổi khí hậu, đó là tài nguyên nước. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt rõ ràng trở thành vấn đề nóng cần quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đặc biệt, khi nước ta có trên 64% tài nguyên nước ở ngoài biên giới. Mùa hạn hán thì thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn, mùa mưa lại nhiều vùng chìm trong lũ…
Trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho rằng nước ta cần tập trung vào các vấn đề sau: Một là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước chung lưu vực nhằm chia sẻ hợp lý các nguồn nước lưu vực sông xuyên biên giới. Hai là, nghiên cứu, xác lập kế hoạch thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu cho các vùng nhạy cảm như Đồng bằng sông Cửu Long.
“Hiện nay chúng ta đã có Kế hoạch châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Các lĩnh vực đang tái cơ cấu theo Kế hoạch này; cũng như tập trung xem xét lại vấn đề “nước là hàng hóa, nước là tài nguyên”. Bởi vậy nên xem xét lại quy hoạch trong khai thác sử dụng, tránh xung đột giữa các ngành, các lĩnh vực, giữa các vùng; đồng thời giải quyết vấn đề nước phải có giá tương thích để sử dụng nước hiệu quả” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tại hành lang Quốc hội trong giờ giải lao sáng 02/11. Ảnh: Việt Hùng |
Giảm khai thác xuất khẩu khoáng sản thô
Liên quan đến vấn đề tài nguyên khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, khi tái cơ cấu nền kinh tế, bên cạnh dầu khí, nguồn lợi mang lại từ khai thác khoáng sản chiếm tới 40-50% GDP, nước ta cần giảm khai thác xuất khẩu khoáng sản thô.
Điều đó theo Bộ trưởng, muốn làm được điều đó thì cần phải làm tốt các công việc như: Thứ nhất, là sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả nhất; lựa chọn công nghệ khai thác tiên tiến, chế biến sâu; chọn thời điểm khai thác, xuất khẩu khoáng sản hợp lý nhờ vào tín hiệu của thị trường. Thứ hai, là công tác khai thác, bảo vệ môi trường mỏ; kiên quyết xử lý theo luật định các mỏ, điểm mỏ đang gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và sử dụng công nghệ lạc hậu. Thứ ba, là thiết lập cơ chế đấu thầu khai thác mỏ khoáng sản để đạt được hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế và bảo vệ được môi trường mỏ.
Thứ tư, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong thời gian tới, cần tăng cường tìm kiếm, thăm dò khoáng sản vùng biển và hải đảo của nước ta; phối hợp với quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề khai thác một cách hiệu quả và bền vững khoáng sản. “Ngoài ra, hiện nay ở vùng đồng bằng sông Hồng có trữ lượng khoáng sản lớn trên 10 tỷ tấn than, theo công nghệ mới thân thiện môi trường, đồng thời giải quyết vấn đề an ninh nguồn năng lượng quốc gia” - Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội sáng 02/11. Ảnh: Việt Hùng |
Xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường
Liên quan đến vấn đề môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “giải quyết căn cơ vấn đề môi trường; chính là tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi từ một nền kinh tế thâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, xâm dụng vào chi phí môi trường. Đó là cách giải quyết, xử lý căn cơ vấn đề môi trường”.
Bộ trưởng phân tích: Sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta nhận thấy, môi trường của chúng ta đạt đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường.Trước đây, môi trường thường là đi sau các hoạt động phát triển, "phát triển trước, làm sạch sau".
“Hiện nay, vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào quá trình đó. Trước đây, chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển; nhưng bây giờ, phát triển thì môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược, quy hoạch phát triển. Hiện nay, xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp cũng khẳng định mối quan hệ cơ cấu giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường - đặt vấn đề môi trường cần phải đầu tư ngay từ đầu” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng, sau sự cố môi trường vừa qua, Chính phủ đã làm rất nhiều công việc: giải quyết những vấn đề sự cố cụ thể; rà soát toàn bộ nguồn thải trên quá trình phát triển kinh tế trước đây. Chúng tôi đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, trong đó từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt nhuộm,…
“Chúng tôi đã có những con số rõ ràng cho thấy, trong thời gian tới cần các biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường; cũng như trong việc thực hiện, hoàn thiện đồng bộ các giải pháp từ đánh giá tác động môi trường; quy định về giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường; cũng như vấn đề thông tin môi trường mà Mặt trận tổ quốc và người dân sẽ giám sát” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
(Theo Báo TN&MT)