Biến đổi khí hậu đe dọa sức khỏe con người
Thứ 4, 15/04/2015 - 09:25 GMT+7 Lượt xem: 101
Từ những kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa đến sức khỏe con người trên toàn thế giới.
Biến đổi khí hậu làm nảy sinh bệnh tật
Báo cáo của Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã khẳng định biến đổi khí hậu gây tử vong và bệnh tật thông qua hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt/nóng, bão, lũ lụt, hạn hán… nhiều bệnh, dịch gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh sống, nhất là các bệnh truyền qua vật trung gian như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, các bệnh đường ruột và một số bệnh khác.
Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm.
Trong đó sự biến động của thời tiết có tác động rõ rệt đến sự gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh dịch truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và bệnh đường hô hấp…
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hàng năm Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong. Nguyên nhân khiến xuất hiện các bệnh mới nổi và tái nổi là do biến đổi khí hậu, môi trường, sự thay đổi và thích nghi của các vi sinh vật, mật độ dân cư tăng lên, hệ miễn dịch yếu, con người sử dụng thực phẩm biến đổi gene…
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho rằng biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế.
Thông thường sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến.
Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…).
Nghiên cứu về “Biến đổi khí hậu và bệnh tật: Từ cách nhìn địa cầu đến bối cảnh Việt Nam” của GS Phạm Huy Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường&Phát triển cho thấy, thay đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp, lao, mà còn khiến các bệnh khac
Theo nhóm nghiên cứu, thời tiết cực đoan gia tăng dẫn đến nhiều nguy cơ đột biến đối với người nhiều tuổi, người già, người mắc bệnh tim mạch, người mắc bệnh thần kinh… Nhóm người già và trẻ em là hai nhóm xã hội dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi do sức đề kháng kém. Còn nhóm phụ nữ, những người dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình – đặc biệt là những người ốm- hơn đàn ông, nên mắc các bệnh dễ lây truyền cũng lớn hơn nam giới.
Biến đổi khí hậu – Một thách thức của ngành Y
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt. Đây là thách thức mà ngành Y đang phải đối mặt.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Y tế. Do vậy, để giúp ngành y tế thực hiện tốt chức năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho công đồng thì Chính Phủ Việt Nam cần có một hành động, chính sách cụ thể nhằm cải tạo, nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị và xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Các hoạt động sẽ tập trung vào việc xác định các khu vực dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, hay thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về giám sát biến đổi khí hậu, trong đó có việc giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch, đặc biệt các bệnh tái xuất hiện và mới nổi.
Bên cạnh đó cần tập trung phổ biến, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngành y tế về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cho tất cả các đơn vị trong ngành y tế.
Tổ chức các hoạt động truyền thông cho cán bộ, nhân viên ngành y tế và cộng đồng về biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó; đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm chuyển tải hiệu quả các thông điệp bảo vệ sức khỏe thông quan giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu tới cộng đồng.
Tiến hành điều tra nghiên cứu, đánh giá thực trạng tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe người dân, các bệnh tật chính liên quan đến biến đổi khí hậu, các khu vực dễ bị tổn thương để có các giải pháp ứng phó kịp thời. Triển khai thử nghiệm, áp dụng, xây dựng các mô hình bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý dữ liệu về sức khỏe, mô hình bệnh tật liên quan đến biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học của các Viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở y tế.
Ngoài ra, để có thể giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho người dân thì việc cần phải củng cố, đầu tư phát triển hệ thống dự phòng và ứng phó sự cố trước thảm họa thiên tai là rất quan trọng. ( Theo TN&MT)